Cuộc hành trình 60 năm
Lâm Vĩnh Thế
Sáng ngày 21-3-2013, em Nghĩa, con
trai út của Thầy Bùi Trọng Chương, gọi điện thoại báo tin cho tôi là Thầy đã
mất. Sau cuộc điện đàm với em Nghĩa, tôi vào phòng thờ
trong nhà thấp nhang, lạy Phật và cầu nguyện Chư Phật tiếp dẫn Hương Linh của
Thầy về Nơi Vĩnh Hằng. Sự ra đi vĩnh viễn của Thầy khép lại cuộc hành
trình của hai Thầy trò tôi đã kéo dài đúng một kỷ 60 năm, khởi đầu vào năm Quý
Tỵ 1953 và kết thúc vào năm Quý Tỵ 2013. Năm
Quý Tỵ 1953 có hai sự việc rất quan trọng xảy đến trong đời tôi. Việc
thứ nhứt là năm đó tôi đậu kỳ thi tuyển vào lớp Đệ Thất của trường Trung Học
Petrus Trương Vĩnh Ký tại Sài Gòn. Tôi
được xếp vào học lớp Đệ Thất B6; tên lớp qua lục cá nguyệt thứ nhì được đổi lại
là Đệ Thất F (1953-54) và sau đó được giữ như vậy cho hết Đệ Nhất Cấp. Việc
thứ hai là cũng trong năm đó, một nhóm giáo sư trẻ, vừa tốt nghiệp trường Cao
Đẳng Sư Phạm Hà Nội, được bổ nhiệm vào Nam và đến nhận nhiệm sở tại trường
Trung Học Petrus Trương Vĩnh Ký. Đó
là các thầy: Bùi Trọng Chương, Nguyễn Hữu Kế, Lê Xuân Khoa, Vũ Ngọc Khôi và
Đinh Xuân Thọ. Tôi được may mắn học ngay với Thầy Bùi Trọng Chương
môn Công Dân Giáo Dục; năm đó, tôi còn rất kém môn Pháp văn nên tôi đến nhà
Thầy để học thêm môn này, một căn nhà nhỏ trong ngõ hẻm sau rạp Thanh Bình. Các
năm về sau, Đệ Lục F (1954-55), Đệ Ngũ F (1955-56) và Đệ Tứ F (1956-57), tôi
cũng học với Thầy các môn Công Dân Giáo Dục và Quốc Văn. Sau
khi đậu bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp và chuyển lên Đệ Nhị Cấp, tôi lại được học
với Thầy môn Quốc Văn ở cả 2 lớp Đệ Tam A (1957-58) và Đệ Nhị A (1958-59, thi
Tú Tài I). Có thể nói là tôi cứ lẽo đẽo theo Thầy mà lên lớp
trong suốt 7 năm theo học tại trường Petrus Ký, ngoại trừ chỉ có năm Đệ Nhứt
(1959-60, thi Tú Tài II) thì tôi không được học với Thầy. Điều
không ngờ nhưng thật là đại hạnh cho tôi là cuộc hành trình của hai Thầy trò
chúng tôi đã không chấm dứt vào năm 1960 khi tôi thi đậu Tú Tài II, rời trường
Petrus Ký, bắt đầu vào đại học và sau đó vào đời, mà vẫn tiếp tục, kéo dài
xuyên suốt cả một thời gian dài 60 năm.
Với kiến thức và phương pháp giảng dạy được trang
bị từ trường Cao Đẳng Sư Phạm Hà Nội cộng thêm với lương tâm chức nghiệp và
lòng thương yêu học sinh, Thầy là tấm gương sáng của một nhà giáo mẫu
mực. Thầy rất nghiêm nhưng không khắt khe, Thầy lại dạy
học rất tận tâm, soạn bài rất kỹ, chấm bài rất đều, và cho điểm rất chừng
mực. Khi dạy lớp đi thi, thí dụ lớp Đệ Tứ (thi Trung Học
Đệ Nhất Cấp) hay lớp Đệ Nhị (thi Tú Tài I), Thầy cố gắng theo sát và dạy thật
đầy đủ chương trình giáo khoa, nhờ vậy, khi đi thi, có thể nói là chúng tôi
hoàn toàn không bị lúng túng trước các đề thi. Trong suốt thời gian ở bậc
trung học, tôi được Thầy không những trao truyền cho kiến thức mà còn rèn luyện
cả mặt đạo đức, phẩm cách làm người. Môn
Công Dân Giáo Dục do Thầy giảng dạy trong các năm ở bậc Đệ Nhất Cấp chuẩn bị
cho tôi những hiểu biết căn bản về quyền lợi và nhiệm vụ của một công dân cũng
như những định chế pháp luật của đất nước. Môn
Quốc Văn mà Thầy giảng dạy đem lại cho tôi khả năng thông hiểu tường tận tiếng
Việt cũng như khả năng thưởng thức những tác phẩm văn học cổ điển của nước
nhà. Bản thân Thầy lại là gương sáng hiếu học cho bọn
học sinh chúng tôi nêu theo. Mặc
dù bận rộn với công việc dạy học toàn thời gian cũng như chăm lo đời sống cho
gia đình và dạy dỗ các con, Thầy còn dành thời gian theo học và tốt nghiệp văn
bằng Cử Nhân Luật Khoa của Viện Đại Học Sài Gòn.
Sau
khi đậu Tú Tài II, tôi quyết định chọn đi theo con đường mà Thầy đã đi: trở
thành một nhà giáo. Tôi nộp đơn thi tuyển vào trường Đại Học Sư Phạm
Sài Gòn, Ban Sử Địa, và, rất may mắn, tôi đã trúng tuyển. Sau
khi ra trường, tôi đã có được một vài lần làm việc chung với Thầy tại các hội
đồng thi Tú Tài ở Sài Gòn. Lúc
đó, tôi chỉ là một Giám Khảo, nhưng Thầy thường đảm nhiệm vai trò Chánh hoặc
Phó Chủ Khảo, và tôi lại được cơ hội học hỏi thêm ở Thầy cách làm việc chí công
vô tư, quang minh chính đại. Sau
ngày 30-4-1975, cũng như bao nhiêu người khác, tôi cũng rời Việt Nam. Trước
khi đi, nghĩ rằng sẽ chẳng bao giờ còn có thể trở về quê hương được nữa, tôi đã
đến chào từ biệt Thầy tại nhà Thầy trong khu Bàn Cờ. Vì
thế, sau mấy năm sống ở hải ngoại, tôi vô cùng vui mừng được biết Thầy cũng đã
rời Việt Nam và định cư tại Hoa Kỳ. Cuộc
hành trình của hai Thầy trò tôi lại được tiếp nối. Tôi
giữ liên lạc rất chặt chẽ với Thầy và đã có dịp đến thăm lại Thầy Cô tại thành
phố Portland, tiểu bang Oregon vào khoảng năm 2000. Thời
gian này, gần như mỗi năm Thầy đều về thăm quê hương. Mỗi
lần như vậy, Thầy đều báo cho tôi biết và tôi lại thông báo cho các anh em cựu
học sinh lớp Đệ Tứ F (1956-57) để anh em tổ chức họp mặt với Thầy. Về
sau, khi đã trên 80 tuổi, sức khoẻ không cho phép Thầy đi xa như vậy được
nữa. Tuy vậy, Thầy vẫn luôn luôn theo dõi tin tức của
các học trò cũ ở Việt Nam hay tại hải ngoại. Mỗi
khi các Thầy Cô hay cựu học sinh Petrus Ký ở Nam Cali họp mặt Thầy đều cố gắng
đến dự.
Tháng
6-2010, một hôm Thầy gọi điện thoại cho tôi và nói: “Lúc này Thầy yếu nhiều
rồi, em sang thăm Thầy đi.” Tôi
vội lấy vé máy bay để bay sang Cali thăm Thầy ngay. Trước
khi đi tôi muốn mang sang biếu Thầy một món quà. Tôi
tìm lại các hình ảnh cũ và chọn ra một tấm học trò lớp Đệ Nhị A chụp chung với
Thầy vào dịp Tất Niên năm 1959. Tôi
mang hình ra Wal-Mart rọi lớn ra và mua môt chiếc khung đẹp để ảnh vào. Khi
gặp Thầy tôi trình món quà nhỏ đó lên Thầy và Thầy rất vui. Về
sau, mỗi lần nói chuyện với tôi Thầy đều nói về tấm ảnh đó. Phần
tôi thì rất vui mừng vì trông thấy Thầy vẫn còn khỏe, chỉ có chân Thầy hơi yếu,
đi đứng cần phải có gậy. Chiều hôm đó, Thầy cùng đi ăn tối với tôi, em Lân
và gia đình em Bích Thu.
Tháng 5-2012, Thầy gọi thăm tôi nhưng không gặp, Thầy gọi thêm mấy lần và nhắn lại trong máy. Lúc đó tôi đang nằm trong bệnh viện vì vừa mổ tim xong. Khi về nhà, nghe tin nhắn của Thầy, bà xã tôi không dám gọi lại cho Thầy vì sợ Thầy biết tin tôi nằm bệnh viện thì Thầy lại lo thêm. Sau cùng bà xã tôi phải gọi cho em Lân và nhờ Lân thưa lại với Thầy là tôi đang ở Việt Nam, khi nào về thì tôi sẽ gọi thăm Thầy. Mấy tháng sau, khi đã khỏe lại nhiều tôi mới gọi cho Thầy và nói sự thật, Thầy trách tôi và dặn sau này có chuyện gì thì cũng phải báo cho Thầy biết. Thầy là như vậy, lúc nào cũng quan tâm, lo lắng và chia xẻ vui buồn với môn sinh của mình.
Khi
được tin Thầy bị stroke, tôi rất lo nhưng vì sức khỏe chưa phục hồi hoàn toàn
tôi không thể sang thăm Thầy được. Mấy
tháng sau, một học trò cũ của Thầy, anh Lương Văn Hy từ Toronto sang Cali thăm
Thầy và có chụp hình với Thầy. Xem
được hình tôi rất mừng, cứ nghĩ là Thầy đã qua được lúc khó khăn rồi. Nhưng
sau đó, qua em Nghĩa, tôi được biết không phải như vậy, sức khỏe của Thầy ngày
càng kém đi. Một hôm Nghĩa gọi cho tôi và đưa máy cho Thầy nói
chuyện với tôi. Thầy vẫn nhận ra được tôi nhưng giọng nói của Thầy
đã yếu đi rất nhiều; điều làm tôi vô cùng xúc động là câu đầu tiên Thầy nói với
tôi là hỏi thăm về đứa cháu nội của tôi mới được mấy tháng. Cho
đến những ngày tháng cuối trong cuộc đời mình, Thầy vẫn như vậy, lúc nào cũng
quan tâm, lo lắng và chia xẻ vui buồn với những “học trò bé nhỏ của Thầy.”
Sau
khi được em Nghĩa báo tin Thầy đã ra đi, tôi quyết định bay sang dự đám tang
của Thầy, và, với sự đồng thuận của gia đình Thầy, tôi đã phát biểu tại tang lễ
với tư cách một học trò cũ của Thầy. Phần phát biểu của tôi tại tang lễ
của Thầy đã được chấm dứt như sau: “Kết thúc cuộc hành trình dài 60 năm
này của Thầy trò chúng ta, những học trò nhỏ bé của Thầy vào năm xưa Quý Tỵ
1953 nay đều là những lão niên đã bước vào tuổi “thất thập cổ lai hy” ở năm Quý
Tỵ 2013 này, em chỉ xin được nói Lời Tạm Biệt Thầy. Một ngày nào đó tất cả chúng em rồi cũng sẽ trở về
đoàn tụ với Thầy, như ngày nào trong những lớp học của trường Petrus Ký vào
những năm giữa thập niên 1950 tại Sài Gòn.” Cũng trong thời gian tang lễ của Thầy, tôi và
anh Lương Văn Hy quyết định xúc tiến thành lập một quỹ học bổng lấy tên là “Quỹ Học Bổng Thầy Bùi Trọng Chương.” Quỹ
học bổng có mục đích là cấp học bổng cho học sinh giỏi và nghèo tại ngôi trường
mà Thầy đã gắn bó suốt cuộc đời đi dạy học 30 năm của Thầy: trường
Petrus Trương Vĩnh Ký, sau năm 1975 có tên mới là trường Trung Học Phổ Thông
Chuyên Lê Hồng Phong. Việc thành lập Quỹ
Học Bổng Thầy Bùi Trọng Chương như
một endowment là một phương cách mà anh Lương Văn Hy và tôi mong cụ thể hóa
phần nào ước vọng giữ mãi được hình ảnh người Thầy kính yêu của chúng
tôi. Tôi tha thiết kêu gọi sự ủng hộ và đóng góp của các Thầy Cô đồng
Nghiệp của Thầy, các thân hữu của Thầy và các học trò cũ của Thầy. Mọi
người có thể vào xem blog sau đây: hoc-bong-btc.blogspot.cađể
biết thêm chi tiết về quỹ học bổng này.